Thứ Tư, 4 tháng 3, 2020

'Bạn bè đều xa lánh sau khi mượn tiền tôi'

Đồng cảm với tác giả câu chuyện " ", nhiều độc giả VnExpress chia sẻ những bài học kinh nghiệm "xương máu" của bản thân khi cho bạn bè, người thân mượn tiền:

Tôi 50 tuổi, làm kinh doanh, tất cả bạn bè thân thiết lúc này đều xa lánh tôi vì lý do không có tiền trả sau khi mượn của tôi (tôi cho bạn mượn không lãi). Tôi đúc kết lại là không bao giờ cho bạn mượn tiền.

Vì bạn mất tiền và vì tiền mất bạn. Rất nhiều trường hợp như vậy rồi. Sống ngoan hiền, có học thức nhưng nhiều khi không tự chủ được mình dễ dẫn tới hệ quả khó lường. Tôi đọc đâu đó trên báo mạng rất nhiều vụ án kinh tế, hình sự mà phạm nhân là các đối tượng được đánh giá sống ngoan, hiền, có học thức.

Thời buổi này, bạn bè tin tưởng nhau là tốt nhưng thiết nghĩ cũng cần giữ khoảng cách để an toàn cho chính bản thân mình.

Từ sau trở đi có tiền dư để không cũng mất lòng gắng chịu, tuyệt đối không cho mượn, ngay cả anh em trong gia đình, bạn bè. Tôi từng cho chị dâu mượn mấy trăm triệu, hứa mỗi tháng chả 10 triệu nhưng đến nay 3 năm rồi mất hút. Đã vậy tôi còn không liên lạc được vì bị chặn số điện thoại. Xác định là mất.

Khoản này thành nợ khó đòi rồi. Đừng bao giờ cho bạn bè vay mượn quá 1 triệu đồng, còn với anh chị em ruột thì hạn mức không quá 20 triệu. Khi họ muốn mượn gì tiếp thì phải trả nợ cũ cái đã, còn cứ ỳ ra không trả thì thôi bỏ luôn, khỏi nhìn mặt nhau nữa. Kinh nghiệm xương máu đó.

Ngày xưa tôi cũng hay cho vay tiền nhưng sau này mất khả năng đòi, người thì 2,5 triệu, người 3 triệu, người 30 triệu mà từ thời vàng mới có 1,6 triệu đồng/ chỉ. Sau này, tôi nghiệm ra rằng không cho ai mượn nữa, trừ những người rất thân máu mủ và xác định mất cũng được, còn ngoài ra không cho mượn. "Mất lòng trước, được lòng sau", cho họ mượn lúc đầu họ mang ơn, nhưng khi đòi họ oán trách, mà mình có được gì đâu.

Kinh nghiệm cả đời tôi cho vay là mất tiền mà mất cả bạn. Tôi bị vài lần dù số tiền chỉ vài triệu chứ không như tác giả. Bạn quá dại, quá liều. Về phía người bạn thân kia thì bạn phải cứng rắn, đánh tiếng với gia đình anh ta về sự nghiêm trọng của vụ việc, về vấn đề trả tiền và lãi xuất cao của ngân hàng, về khả năng không thể trả nợ cho ngân hàng. Nếu bạn thân của bạn và gia đình anh ta không có động thái gì để khắc phục thì bạn thông báo cho họ biết là sẽ báo công an. Tất nhiên, sau cùng nếu anh ta không trả thì báo công an là điều phải làm.

Sau rất nhiều lần cho bạn bè và anh em mượn tiền, tôi rút ra bài học:

1. Hãy cho mượn số tiền khi không làm đảo lộn cuộc sống của mình.

2. Hãy cho mượn số tiền trong khả năng trả nợ của họ.

3. Hãy xác định cho bạn bè, người thân mượn là có thể mất luôn số tiền đó.

4. Khi cho mượn tiền, cả hai vợ chồng đều phải biết để tránh sau này gia đình lục đục.

Nếu đã xác định được như vậy thì hãy cho mượn, còn không thì không nên. Vì rằng một khi cho mượn số tiền quá lớn, tới lúc mình cần họ không thể trả nổi thì lúc đó vừa mất tiền, vừa mất tình cảm bạn bè. Tất nhiên, chỉ nên tính toán khi họ mượn tiền để làm những việc riêng như xây nhà, mua xe, lấy vốn làm ăn... Còn trường hợp họ bị ốm đau, bệnh tật không biết xoay xở ở đâu thì dù có dốc cạn túi cũng phải giúp họ.

Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến .

Thành Lê tổng hợp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét